Theo
các quy định mới về thuế GTGT và thuế TNDN áp dụng từ năm 2012 thì hoạt động
chuyển nhượng quyền phát thải hay chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là một hoạt động mới được Nhà nước khuyến khích áp
dụng các chính sách ưu đãi về thuế, hoạt động này vừa không phải kê khai nộp
thuế GTGT vừa được miễn thuế TNDN trong thời gian một năm.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều
1 Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT thì các trường hợp
không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT bao gồm:
“b)
Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải
và các khoản thu tài chính khác.”
Còn theo quy định
tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ
về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày
11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế
TNDN thì thu nhập được miễn thuế TNDN bao gồm:
“2.
Đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ, thu nhập từ kinh doanh sản phẩm sản xuất thử nghiệm và thu nhập từ
sản xuất sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, kể
cả thu nhập từ chuyển nhượng chứng
chỉ giảm phát thải (CERs), thời
gian miễn thuế tối đa không quá 01 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất sản
phẩm theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, sản xuất thử
nghiệm hoặc sản xuất theo công nghệ mới, kể
từ ngày được cấp chứng chỉ giảm phát thải (CERs).”
Như vậy tại cả hai Nghị định mới nêu
trên về thuế GTGT và thuế TNDN đều cùng bổ sung về một thuật ngữ chưa từng được
đề cập đến trong các văn bản quy định về thuế GTGT và thuế TNDN trước đây, đó là hoạt động
chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) hay chuyển nhượng quyền phát
thải. Vậy quyền phát thải và chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là gì? hoạt động
chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) hay chuyển nhượng quyền phát thải
được thực hiện như thế nào và có liên quan đến những đối tượng doanh nghiệp
nào? Đây là một vấn đề tương đối mới trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam nên
có thể rất ít người nắm rõ về vấn đề này. Bài viết này xin được làm rõ một số
vấn đề xung quanh nội dung trên.
Các hoạt động của con người đã làm cho khí hậu trái đất
ngày càng nóng lên dẫn đến nhiều thảm họa thiên nhiên do các khí hiệu ứng nhà
kính (CO2, N2O, CH4, HFC, ...). Vì vậy, một nghị định thư được ký kết tại Kyoto vào năm 1997 - gọi
là Nghị định thư Kyoto - với các cam kết của 39 nước công nghiệp phát triển về việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà
kính,
đặc biệt là khí CO2 thông qua việc thiết lập ba cơ chế mềm dẻo: (i) Cơ chế mua bán phát thải
- mua bán các chứng chỉ phát thải giữa các nước phát triển; (ii) Cơ chế đồng
thực hiện - mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án giảm phát
thải thiết lập tại các nước phát triển và (iii) Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism CDM) - mua
bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án phát triển sạch CDM tại
các nước đang phát triển. CDM là cơ chế duy nhất có liên quan tới các nước đang
phát triển như Việt Nam.
Cơ chế này cho phép các nước phát triển đạt được một phần nghĩa vụ của mình
thông qua các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển. Theo đó, trong bối cảnh chưa thể giảm
lượng khí thải như cam kết, các nước phát
triển được
phép mua lại chứng chỉ giảm phát thải (CERs) từ các nước đang phát triển như
Việt Nam. Như vậy, thay vì phải bỏ ra nhiều chi phí để giảm khí thải, các nước
phát triển có quyền mua lại quyền phát khí thải ở các quốc gia còn phát sinh
khí thải thấp. Đổi lại, các nước bán được chứng chỉ giảm khí phát thải (CERs)
sẽ có nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất sạch (CDM), từ đó lượng khí thải gây
hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu sẽ giảm.
Lượng khí nhà kính thu được từ mỗi dự
án CDM sẽ được đo lường bằng các phương pháp đã được quốc tế thông qua và được
thể hiện bằng đơn vị đo lường chuẩn gọi là các CERs - Certified Emission
Reductions (1CER = 1 tấn CO2). Nghị
định thư Kyoto chính thức có hiệu lực vào ngày 15/02/2005, sau khi Cộng hòa
Liên bang Nga ký kết tham gia, các CERs này bắt đầu được mua bán trên thị
trường và trở thành một loại hàng hóa.
Như đã đề cập, CDM là cơ chế duy nhất
mà Việt Nam có thể tham gia trong chương trình giảm khí thải nhà kính. Khi một
dự án CDM đi vào hoạt động, sản phẩm của nó sẽ là các CER và lợi nhuận sẽ thu
được từ việc mua bán, trao đổi các CER này. Việc phân chia lợi nhuận được thỏa
thuận giữa các bên tham gia (đơn vị đầu
tư của nước phát triển, đơn vị đầu tư của Việt Nam và các bên liên quan khác
nếu có). Như vậy, thông qua CDM, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận được
sự hỗ trợ của các nước phát triển về vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, nhân lực.
Việc mua bán chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) là một loại hàng hoá đặc biệt đang manh nha phát triển tại Việt Nam trong một vài năm gần đây. Các thương vụ này
không chỉ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn mà còn mang lại lợi
nhuận trực tiếp cho các doanh nghiệp. Một số dự án đi tiên phong trong việc sản xuất sạch và chuyển nhượng chứng
chỉ giảm phát thải (CERs) tại Việt Nam như: Dự án thu gom và sử dụng khí đồng hành tại mỏ
Rạng Đông tỉnh
Bà Rịa Vũng Tàu đã được Quỹ Bảo vệ môi
trường Việt Nam (Quỹ
BVMTVN) trao Giấy Chứng nhận
đăng ký Chứng chỉ giảm khí phát thải (CERs) vào tháng 07/2011. Dự án sẽ sử dụng
khí đồng hành từ quá trình khai thác dầu để sản xuất điện, khí hóa lỏng. Chi
phí dự án là 73 triệu USD, dự kiến sẽ giảm 6,47 triệu tấn CO2 trong
thời gian 10 năm. Nếu tính theo giá thị trường chuyển nhượng chứng chỉ giảm
phát thải (CERs)
tại châu Âu hiện nay khoảng 24 Euro/1 tấn CO2 thì dự án này mang
lại cho các bên tham gia một khoản thu khoảng 202 triệu USD. Một dự án nữa có thể kể đến trong lĩnh vực này là Dự án
Nhà máy Sản xuất vật
liệu xây dựng từ xỉ lò điện hồ quang tại KCN Phú Mỹ 1 của Công ty TNHH Vật liệu Xanh với sản phẩm gạch
không nung từ xỉ thép; nhà máy có công suất 20-40 triệu viên/năm thuộc danh mục
dự án được Liên Hợp Quốc xem xét, phê duyệt theo chương trình sản xuất sạch
CDM. Theo dự kiến mỗi năm dự án này sẽ giảm được khoảng 7 ngàn tấn CO2, ngoài
việc làm tốt việc bảo vệ môi trường, việc chuyển nhượng chứng chỉ giảm khí phát thải (CERs) cũng sẽ đem
về một khoản thu khoảng 100.000USD…
Có thể nói, CDM
thật sự là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có được nguồn hỗ trợ từ các
nước phát triển về cả tài chính, công nghệ và nhân lực. Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã thiết lập một danh sách các ngành có tiềm năng thực hiện CDM như: xử lý tiêu hủy chất thải; trồng và
tái tạo rừng; các hoạt động sản xuất phát sinh các khí nhà kính (nuôi heo, sản xuất đồ uống có gas...);
tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng; sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ chưng
áp; xây dựng; giao thông vận tải; … Thống kê của Quỹ BVMTVN cũng cho thấy, trong chương
trình sản xuất sạch hơn từ trước đến nay, Quỹ này đã thu được gần 31 tỷ đồng
tổng số lệ phí bán Chứng chỉ giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Như vậy, có thể nói việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động
chuyển nhượng quyền phát thải là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực
tiễn và phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Văn Thắng
Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Người nộp thuế.
Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ Người nộp thuế.
No comments:
Post a Comment